Nét đẹp Việt

Năm 1969, nhà may Thanh Nữ là nhà may áo dài nổi tiếng nhất Sài Gòn. Gia đình này 9 đời đều may áo dài. Bà chủ Thanh Mai có hai cô con gái: cô con gái ruột Như Ý và cô con gái nuôi Thanh Loan. Thanh Loan thích may áo dài nhưng Như Ý lại thích thiết kế đồ Tây, vì cô cho rằng áo dài đã quá xưa và chỉ có một kiểu. Bà Thanh Mai kêu Như Ý hãy học cách may áo dài nhưng cô không quan tâm, cô chỉ thích thiết kế đồ Tây.

Một hôm bà Thanh Mai lấy tấm vải quý của gia tộc ra may thành chiếc áo dài cực kỳ đẹp, rồi để bên dưới nhà. Như Ý thấy chiếc áo dài đẹp quá (có đính tên Như Ý trên áo) nên lấy mặc thử. Một điều kỳ lạ đã xảy ra, khi cô mặc chiếc áo dài vào, miếng ngọc trên chiếc áo đã cuốn cô vào dòng thời gian, đưa cô đến năm 2017.

Khi bà An Khánh (chính là hiện thân của Như Ý) đang chuẩn bị tự tử thì Như Ý rơi xuống, đẩy bà ấy ngã và rồi miếng ngọc trên áo bị văng mất. Như Ý ngạc nhiên khi thấy tiệm nhà may Thanh Nữ bị dỡ bỏ, nhà cửa tan hoang, không dám tin khi thấy chính mình trong tương lai, hoang mang và sợ hãi khi thấy Sài Gòn xưa của cô đã biến mất, thay vào đó là Sài Gòn 2017 văn minh hiện đại. Căn nhà trở nên hoang tàn, không còn náo nhiệt như ngày xưa.

Bộ phim tiết lộ khi bà Thanh Mai mất, bà An Khánh đuổi Thanh Loan ra khỏi nhà để mở tiệm may đồ Tây, tuy nhiên lại sớm dẹp tiệm. Bà An Khánh trở thành kẻ thất bại và nghiện rượu. Thanh Loan ra ngoài mở một tiệm may áo dài, sau này cô sinh hai đứa con: Helen và Tuấn. Helen bây giờ đang là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng, còn Tuấn đang làm ở công ty của Helen.

Helen đồng ý giúp bà An Khánh giữ lại căn nhà, đổi lại Như Ý phải làm nhân viên cho Helen. Như Ý làm lao công một thời gian, chính Tuấn giúp cho cô làm quen với cuộc sống hiện đại này. Đến khi công ty cần thiết kế mấy bộ đồ Tây của thập niên 1960, đúng với sở trường của mình, Như Ý đã giúp Helen thiết kế.

Ấn tượng trước khả năng thiết kế của Như Ý, lần tiếp theo Helen giao cho Như Ý công việc thiết kế áo dài. Đây là một thử thách lớn đối với Như Ý, vì cô vốn ghét áo dài và không hề biết may áo dài. Nhưng cô cũng rất muốn thiết kế áo dài theo cách gia truyền của nhà may Thanh Nữ, điều này sẽ giúp nhà may Thanh Nữ có lại danh tiếng và sẽ được phục dựng trở lại.

Bà An Khánh đến gặp bà Thanh Loan để xin lỗi và xin học cách may áo dài. Bà Thanh Loan đưa cho bà An Khánh một phong bì, trong đó là lá thư của bà Thanh Mai, chỉ cách may áo dài. Bà An Khánh và Như Ý cùng nhau tập may áo dài.

Đến ngày diễn ra sự kiện thời trang, người mẫu Trang Ngô cùng với những cô người mẫu khác trình diễn những chiếc áo dài do chính Như Ý thiết kế. Trong lúc buổi biểu diễn đang được tiếp tục, Helen có ý định thay đổi kịch bản để tên mình được vinh danh thay vì Như Ý nhưng bị Tuấn bắt được rồi yêu cầu cô sửa đổi kịch bản và suy nghĩ lại việc làm của cô. Cuối cùng, buổi biểu diễn rất thành công và Như Ý đứng lên phát biểu đôi lời, cô cũng gửi lời cám ơn đến Helen. Sau ngày hôm đó, nhà may Thanh Nữ được phục dựng trở lại.

Như Ý mặc chiếc áo dài có miếng ngọc, miếng ngọc kỳ diệu đó lại cuốn cô vào dòng thời gian, đưa cô về lại năm 1969. Cô gặp lại bà Thanh Mai, cô ôm lấy mẹ mình rồi nói xin lỗi rồi nói với mẹ mình rằng mình đã biết may áo dài. Hai mẹ con sau đó mở nhạc lên và đứng nhảy.

Trong đoạn cảnh hậu Danh đề, truyền nhân thứ 20 nhà may Thanh Nữ đi tham quan xung quanh nhà mình và có những câu cửa miệng rất giống Như Ý như "Ô la la" và cuối cùng nói "Hết rồi!" để kết thúc bộ phim.

Ý tưởng đầu tiên của bộ phim đến từ một cuộc trò chuyện giữa Ngô Thanh Vân và nhà thiết kế Thủy Nguyễn, cả hai muốn làm một bộ phim về phụ nữ Việt Nam.[3] Ngô Thanh Vân còn là một người có tình cảm đặc biệt với áo dài. Vào dịp tết Đinh Dậu 2017, nhiều tranh cãi về áo dài nổ ra khiến Ngô Thanh Vân nhận thấy "nhiều bạn trẻ không hiểu về áo dài và phần nào tình cảm dành cho áo dài vơi đi". Vì vậy, cô và Thủy Nguyễn "ấp ủ" ý định đưa "áo dài thời xưa lên màn ảnh rộng" để mọi người thấy được "sự đẹp đẽ, mộng mơ của một người phụ nữ với áo dài".[4] Sau nhiều giai đoạn viết và thay đổi ý tưởng, Ngô Thanh Vân có lúc phải viết lại toàn bộ kịch bản Cô Ba Sài Gòn. Chỉ đến khi đọc được kịch bản từ biên kịch Kay Nguyễn, cô mới "mới thở phào nhẹ nhõm vì mình đang cầm trong tay một cuốn phim vừa tôn vinh tà áo dài, vừa đi đúng tinh thần như đã định hướng."[3]

Để hóa thân thành nhân vật Như Ý, Ninh Dương Lan Ngọc cho biết cô không những phải tìm hiểu và tập luyện cách ăn nói, đi đứng cho giống với cô gái vào thập niên 1960-1970 mà còn phải học thêm tiếng Pháp.[5]:24:05

Phục trang trong phim do nhà thiết kế Thủy Nguyễn thiết kế. Cô cho biết "ý tưởng của những chiếc áo dài trong phim, đặc biệt là các thiết kế với hoạ tiết gạch bông quen thuộc được truyền cảm hứng từ chính thành phố Sài Gòn và ngôi nhà thân thương một thời của tôi", là "nỗi nhớ nhung trìu mến dành cho Hòn Ngọc Viễn Đông của những năm 60 với tinh thần tươi mới, vô cùng tinh tế và sành điệu".[6] Bên cạnh áo dài, phim còn đề cập đến những bộ trang phục phương Tây đang rất thịnh hành vào thập niên 1960 như như váy liền chữ A, váy bút chì, váy suông.[7]

Lý giải tên phim Cô Ba Sài Gòn, Ngô Thanh Vân cho biết từ "cô Ba" nhằm gợi nhớ đến hình ảnh người phụ nữ miền Nam thời xưa chứ không phải tên riêng và khẳng định đã đăng kí bản quyền tên này để tránh nhầm lẫn với một số thương hiệu ẩm thực, mỹ phẩm.

Chia sẻ:

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

Hãy gửi cho chúng tôi địa chỉ email của ban, chúng tôi sẽ gửi cho bạn những ưu đãi của từng sản phẩm